Phô mai là một món ăn béo ngậy và bổ dưỡng được rất nhiều người yêu thích. Không chỉ ở Thụy Sĩ là nơi được biết đến như xứ sở sản xuất phô mai nổi tiếng mà ở nhiều nước Châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, một bữa ăn tối trịnh trọng sẽ được xem như kết thúc hoàn hảo cùng với một dĩa phô mai (cheese platter). Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu cách ăn phô mai đúng để không bối rối khi đi làm khách hoặc được chiêu đãi tại nhà hàng nhé!
Kiến thức sơ lược về phô mai
Phô mai (hay còn gọi là pho mát) bao gồm 3 thành phần chính là nước, chất béo và protein, được sản xuất bằng cách làm đông sữa và sau đó tách ra để chế biến. Casein (một dạng protein chất lượng cao) sau khi được tách ra sẽ tiến hành quá trình xử lý và ủ theo nhiều cách để cho ra đời nhiều loại cheese khác nhau. Trong đó vi khuẩn, enzym đông tụ, kỹ thuật chế biến và loại sữa được sử dụng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng.
Ngày nay có hàng trăm loại phô mai khác nhau về hương vị màu sắc và kết cấu, đa dạng từ cream cheese, phô mai ủ chín, cho tới phô mai dạng sợi, hoặc các loại phô mai được hun khói,…
Những cách phân loại phô mai cơ bản và thường gặp
– Dựa vào hàm lượng nước trong phô mai:
Phô mai rất cứng (extra-hard)
Phô mai cứng (hard cheese)
Phô mai bán cứng (semi-hard)
Phô mai bán mềm (semi-soft)
Phô mai mềm (soft cheese)
– Dựa vào hàm lượng chất béo:
Phô mai có hàm lượng béo rất cao (high fat)
Phô mai có hàm lượng béo cao (full fat)
Phô mai có hàm lượng béo trung bình (medium fat)
Phô mai có hàm lượng béo thấp (partially skimmed)
Phô mai có hàm lượng béo rất thấp hoặc không béo (skim)
– Dựa vào phương thức sản xuất:
Phô mai tươi (fresh)
Phô mai ủ chín (ripened, aged)
(Tham khảo: lygiavien.com/en/blogs)
Cách ăn phô mai – Cheese etiquette
Việc phục vụ một khay phô mai (chesse platter / cheese board) luôn được đánh giá cao trong các bữa tiệc Âu trang trọng, hãy cùng K Dining Etiquette nắm các nguyên tắc quan trọng trong việc phục vụ và thưởng thức phô mai nhé:
1️⃣ Cheese platter có thể được phục vụ vào đầu bữa tiệc như món khai vị hoặc sau món chính, dùng kèm với bánh mì / cracker (bánh quy giòn) / các loại hạt / nho / trái cây khô …
2️⃣ Phô mai ăn ngon nhất sau khi được lấy ra khỏi tủ lạnh từ 15 phút đến 1 tiếng tùy thuộc vào loại phô mai và nhiệt độ phòng ăn
3️⃣ Cần sử dụng loại dao bày trí theo khay phô mai để cắt và chuyển sang dĩa riêng của mình trước khi ăn
4️⃣ Lưu ý cắt miếng phô mai theo chiều dài để những người còn lại cũng được thưởng thức trọn vẹn hương vị do phần đậm đà nhất thường nằm ngay giữa
5️⃣ Áp dụng nguyên tắc thưởng thức phô mai từ loại hương vị nhẹ như Goat cheese đến loại đậm như Blue cheese để bảo đảm loại đậm không lấn lướt loại nhẹ làm ảnh hưởng đến khẩu vị
6️⃣ Không nên ăn vỏ của các loại phô mai cứng (như Emmental hay Gruyère …)
7️⃣ Không lấy quá 3 loại phô mai vào dĩa trong 1 lần
8️⃣ Nếu khay phô mai được phục vụ theo hình thức tự chuyền cho nhau trên một bàn dài, bạn nhớ áp dụng nguyên tắc mời người bên trái, tiếp đến là tự phục vụ cho mình và sau đó là chuyển sang người bên tay phải
9️⃣ Phô mai sẽ ngon hơn khi thưởng thức cùng rượu vang trắng / vang đỏ / vang sủi bọt theo nguyên tắc:
+Phô mai tươi sẽ phù hợp với những loại vang có nhiều hương trái cây, sinh động
+Phô mai có độ cứng càng cao sẽ kết hợp tốt với rượu vang có độ chát càng cao
+Phô mai bán mềm (semi-soft) làm từ sữa bò sẽ rất thích hợp với vang trắng medium-bodied
🔟 Cuối cùng, nhớ là không bao giờ được nói phô mai “stinky” (hôi thối) mà thay vào đó là nói “strong” nhé!